Nhằm nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo (ĐMST) thông qua quy trình ĐMST trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa tại địa phương. Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức khóa tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng, phương pháp đề xuất ý tưởng giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa tại Sơn La.
Khóa tập huấn được tổ chức trong 2 ngày 15 - 16/6/2024 tại Trường Đại học Tây Bắc. Khoá tập huấn thu hút gần 40 đại diện là các cán bộ, giảng viên và đại diện sinh viên của Nhà trường; đại diện giáo viên/học sinh và các đối tác địa phương; đại diện sinh viên và học sinh đến từ các dự án xuất sắc được lựa chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi “Đổi mới sáng tạo về chấm dứt ô nhiễm nhựa tại tỉnh Sơn La”.
Tham dự Lễ khai mạc Khóa tập huấn, có sự tham dự của TS. Hoàng Ngọc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc; Bà Phan Hoàng Lan - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo, Đại học Fulbright Việt Nam cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Hình 1. TS. Hoàng Ngọc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc phát biểu khai mạc
Khoa Khoa học - Tự nhiên (KHTN - CN) có 03 giảng viên tham gia tập huấn: ThS. Hoàng Thanh Thương - Bộ môn Sinh học; TS. Phạm Thị Chuyên và ThS. Vũ Thị Hải Ninh - Bộ môn Hóa học.
Tập huấn tổ chức nhằm giúp các học viên có cái nhìn tổng quát về vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, hiểu được không gian vấn đề và có bức tranh toàn cảnh. Sau khóa tập huấn, học viên sẽ xây dựng được bản mô tả đối tượng và vấn đề chi tiết. Thực hành ĐMST đi từ vấn đề, từ đó xây dựng giải pháp để giải quyết vấn đề đã được kiểm chứng.
Khóa tập huấn được kết hợp nhiều hoạt động với sự tham gia chia sẻ, hỗ trợ của các chuyên gia đến từ UNDP, Đại học Fulbright Việt Nam, Trường Đại học Tây Bắc, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La. Các học viên được tìm hiểu tổng quan về vấn đề nhựa tại địa phương; tìm hiểu các giải pháp tích cực điển hình trong việc giảm nhựa tại địa phương; giới thiệu và thực hành các công cụ ĐMST trong việc Xác định Vấn đề (ứng dụng vào giải quyết ô nhiễm nhựa); tham quan thực địa và thảo luận nhóm đề xuất giải pháp cho một đối tượng cụ thể. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm nâng cao năng lực cho học viên đến từ các khoa, phòng ban, trung tâm và câu lạc bộ đổi mới sáng tạo trong trường đại học; hình thành mạng lưới những nhà ĐMST góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa tại Sơn La nói riêng và cộng đồng nói chung.
Kết thúc khóa tập huấn, ngoài việc nâng cao năng lực bản thân về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giảm thải nhựa; thành viên tập huấn sẽ được các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường hướng dẫn phát triển dự án của mình. Cán bộ, giảng viên, học viên có cơ hội tham gia đồng hành triển khai các dự án về môi trường, giảm thải nhựa tại vùng Tây Bắc.
Một số hình ảnh của khóa tập huấn:
Hình 2. Ông Cầm Bun Lộc – Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc sở TNMT Sơn La
Hình 3. Bà Phan Hoàng Lan - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo, Đại học Fulbright Việt Nam
Hình 4. Hình ảnh các học viên tích cực tham gia thảo luận