Căn cứ Quyết định số 989/QĐ-ĐHTB ngày 12 tháng 09 năm 2022 về việc Ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, ngành đào tạo Sư phạm Sinh học hệ chính quy; Căn cứ vào Kế hoạch hoạt động năm học 2024 - 2025 của Khoa Khoa học Tự nhiên – Công nghệ. Từ ngày 14/04 đến ngày 18/04/2025, sinh viên lớp K64 Đại học Sư phạm Sinh học - Trường Đại học Tây Bắc đã tham gia chuyến thực tập nghiên cứu thiên nhiên tại TP Hà Nội và Cát Bà (TP Hải Phòng). Chuyến đi do ThS. Phạm Thị Lan là giảng viên Bộ môn Sinh học, Khoa Khoa học Tự nhiên - Công nghệ làm Trưởng đoàn. Đây là một hoạt động nằm trong chương trình đào tạo nhằm tăng cường trải nghiệm thực tế, kết nối kiến thức lý thuyết với môi trường sống, giúp sinh viên nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và công tác bảo tồn.
1. Hoạt động thực tế tại TP. Hà Nội
Chặng dừng chân đầu tiên của đoàn là Bảo tàng Sinh học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là một trong những bảo tàng sinh học có bề dày lịch sử và lâu đời nhất tại Việt Nam, nơi lưu giữ hàng ngàn mẫu vật quý hiếm thuộc nhiều nhóm sinh vật khác nhau như động vật, thực vật, nấm… Tại đây, sinh viên không chỉ được quan sát trực tiếp các mẫu tiêu bản mà còn được giới thiệu về phương pháp bảo quản, phân loại và giá trị khoa học – giáo dục của các bộ sưu tập.
Tiếp theo, đoàn đã đến tham quan Thủy cung Times City – một mô hình hiện đại mô phỏng thế giới đại dương đa dạng. Sinh viên được quan sát hệ sinh thái thủy sinh phong phú với các loài sinh vật bản địa và ngoại lai. Hoạt động này giúp sinh viên củng cố kiến thức về sinh thái học nước ngọt và nước mặn, phân biệt các đặc điểm thích nghi hình thái – sinh lý của sinh vật trong môi trường sống khác nhau.
Chuyến tham quan tại Hà Nội khép lại với điểm đến cuối cùng là Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Tại đây, sinh viên đặc biệt quan tâm đến các chủ đề về sự tuyệt chủng của một số loài sinh vật, biến đổi khí hậu và tác động của con người đến đa dạng sinh học – những nội dung có liên hệ mật thiết với chương trình giảng dạy trong trường phổ thông.
2. Hoạt động thực tế tại Cát Bà, TP. Hải Phòng
Đoàn thực hiện hoạt động tham quan thực tế tại Vườn quốc gia Cát Bà – Khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận. Trong khuôn khổ chương trình, sinh viên được tham dự báo cáo chuyên đề do ông Đoàn Thanh Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng – Vườn Quốc gia Cát Bà trình bày. Báo cáo cung cấp cái nhìn tổng quan về đa dạng sinh học, các hệ sinh thái đặc trưng của Vườn Quốc gia Cát Bà, cùng các nỗ lực bảo tồn Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) và định hướng phát triển bền vững trong quản lý tài nguyên rừng và biển.
Các hoạt động thực địa được triển khai tại nhiều điểm thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà, bao gồm cả khu vực trung tâm vườn và rừng ngập mặn ven biển Phù Long. Tại đây, sinh viên tiến hành khảo sát cấu trúc thảm thực vật, đặc điểm hình thái – sinh thái của các loài cây ngập mặn điển hình như mắm, đước, sú, đồng thời ghi nhận sự hiện diện và hành vi của các loài động vật lưỡng cư, bò sát và côn trùng đặc trưng. Thực địa cũng giúp sinh viên quan sát các yếu tố sinh thái liên quan đến chuỗi thức ăn, thích nghi sinh tồn và cấu trúc quần xã trong các hệ sinh thái bán ngập nước điển hình vùng ven biển. Đây là dịp để sinh viên áp dụng các kiến thức lý thuyết đã học giải thích được các hiện tượng trong thực tế, từ phân loại sinh vật đến đánh giá mối quan hệ giữa sinh vật và môi trường sống.
Đoàn khảo sát hệ sinh thái biển tại Vịnh Lan Hạ, tập trung nhận diện một số loài san hô, rong biển và đánh giá sự ảnh hưởng của các hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản đến môi trường, sinh thái. Tại Đảo Khỉ, sinh viên quan sát hành vi thích nghi của Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) trong điều kiện bán hoang dã. Khảo sát tại khu vực nuôi hải sản lồng bè trên Vịnh Lan Hạ góp phần làm rõ mối liên hệ giữa khai thác tài nguyên sinh học và phát triển kinh tế biển bền vững.
Trước khi kết thúc chuyến đi, đoàn đã có dịp thăm Chợ Cát Bà, nơi phản ánh rõ nét mối quan hệ giữa cư dân và tài nguyên sinh vật biển. Các em sinh viên được quan sát, nhận diện một số loài hải sản được bày bán, từ đó đặt câu hỏi về vấn đề khai thác bền vững, bảo vệ giống loài quý hiếm và sự kiểm soát của cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo tồn các loài sinh vật biển.
Sinh viên Quàng Thị Tuyên – lớp trưởng lớp K64 Sư phạm Sinh học – chia sẻ: “Chuyến thực tập nghiên cứu thiên nhiên giúp em nhận ra rằng thiên nhiên không chỉ là kiến thức trong sách vở, mà là một hệ thống sống động với những mối liên hệ chặt chẽ giữa sinh vật với môi trường. Được trực tiếp quan sát các loài đặc hữu, lắng nghe chia sẻ từ cán bộ bảo tồn và trải nghiệm thực địa, em hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ đa dạng sinh học. Công tác bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc cứu một loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng, mà còn là bảo vệ sự cân bằng của cả hệ sinh thái. Những trải nghiệm này là hành trang quý báu để em tiếp tục học tập và nghiên cứu, đồng thời vận dụng trong giảng dạy sau này – nhằm truyền cảm hứng và nuôi dưỡng ý thức bảo vệ thiên nhiên cho các thế hệ học sinh trong tương lai.”
Chuyến thực tập nghiên cứu thiên nhiên của sinh viên lớp K64 Đại học Sư phạm Sinh học không chỉ là cơ hội để các em mở rộng kiến thức chuyên ngành, mà còn giúp các em kết nối sâu sắc hơn với thế giới tự nhiên. Không chỉ học từ sách vở, các em được quan sát, ghi nhận và trải nghiệm thực tế ở cả hai hệ sinh thái rừng và sinh thái biển. Qua đó, sinh viên không chỉ hiểu hơn về sinh học, mà còn hình thành tư duy khoa học, tinh thần trách nhiệm với môi trường và xã hội. Những trải nghiệm thực địa này sẽ nuôi dưỡng cảm hứng để các em vững vàng trên hành trình trở thành những nhà giáo vừa có chuyên môn, vừa biết lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến các thế hệ học sinh sau này.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại các hoạt động.
Ảnh 1. Tham quan mẫu trưng bài tại Bảo tàng Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ảnh 2. Tham quan các loài sinh vật tại Thủy cung Times City
Ảnh 3. Đoàn TTNCTN chụp ảnh cùng PGS.TS Phạm Đình Sắc - Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Ảnh 4. Đoàn TTNCTN nghe báo cáo chuyên đề bảo tồn tại VQG Cát BàẢnh 5. Khảo sát hệ sinh thái tại VQG Cát Bà
Ảnh 5. Khảo sát hệ sinh thái tại VQG Cát Bà
Ảnh 6. Tham quan Động Trung Trang
Ảnh 7. Khảo sát thu mẫu tại Vịnh Lan Hạ
Ảnh 8. Tham quan đảo Khỉ trên vịnh Lan Hạ
Ảnh 9. Khảo sát hệ sinh thái tại Rừng ngập mặn ven biển Phù Long
Ảnh 10. Tham quan khu vực nuôi hải sản lồng bè trên vịnh Lan Hạ
Ảnh 11. Sinh viên thu mẫu động vật tại chợ Cát Bà
Ảnh 12. Sinh viên phân loại, xử lí sơ bộ các mẫu động - thực vật đã thu được