Vào hồi 15 giờ 00 ngày 25 tháng 4 năm 2025, Bộ môn Hóa học, Khoa Khoa học Tự nhiên - Công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc đã tổ chức hoạt động seminar. Hoạt động này được triển khai dựa theo Kế hoạch năm học 2024 - 2025 của Khoa Khoa học Tự nhiên - Công nghệ và Bộ môn Hóa học. Đây là hoạt động thường xuyên nhưng với nội dung và phương pháp trình bày mới nên hoạt động này luôn thu hút được sự quan tâm, mong chờ của toàn thể giảng viên của bộ môn Hóa học.
Buổi seminar của bộ môn diễn ra tại Bảo tàng Sinh học - Trường Đại học Tây Bắc với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thông qua buổi seminar này, giảng viên có thể cập nhật thông tin mới nhất về phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các xu hướng trong lĩnh vực học thuật.
Điều khiển chương trình TS. Phạm Thị Chuyên - Trưởng Bộ môn Hóa học. Báo cáo viên: ThS. Nguyễn Đình Thoại trình bày báo cáo Tính chất điện của hệ keo. Thông qua báo cáo người nghe có thể trả lời được các câu hỏi như: Tại sao các hạt trong hệ keo lại mang Điện? nguyên nhân hệ keo bền hoặc không bền là gì? Tính bền nhiệt động học hay tính bền tập hợp phụ thuộc vào những yếu tố nào?...
Ảnh 1. ThS. Nguyễn Đình Thoại trình bày báo cáo Tính chất điện của hệ keo.
Sau đó, ThS. Lê Khắc Phương Chi trình bày báo cáo Phổ khối lượng (MS) trong chương trình hóa học phổ thông. Khoa học là một cuộc hành trình khám phá thế giới vi mô đầy bí ẩn. Nơi mỗi nguyên tử, phân tử đều mang trong mình một câu chuyên riêng. Trong hành trình đó phổ khối lượng chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa chưa được nhìn thấy. Có bao giờ bạn tự hỏi làm sao biết được các nguyên tử có đồng vị, hay làm sao có thể biết được cấu trúc phân tử của chất, thứ mà mắt thường không nhìn thấy. Vâng, phổ khối lượng chính là câu trả lời. Từ việc xác định khối lượng phân tử; đến việc phân tích cấu trúc; từ nghiên cứu thiên thạch ngoài không gian đến kiểm định chất lượng trong ngành dược phẩm,… Phổ khối lượng không chỉ là một công cụ phân tích mà được ví như cặp mắt thần của khoa học hiện đại.
Chương trình môn Hóa học cấp THPT hiện hành đã đưa phương pháp phổ khối lượng vào trong chương trình lớp 10, 11, 12 với các dạng bài tập về đồng vị, tìm công thức phân tử, công thức cấu tạo hợp chất hữu cơ. Bài báo cáo gồm các phần như lịch sử ra đời và phát triển của phổ khối lượng; nguyên lí hoạt động của phố khổi kế; ứng dụng phổ khối lượng trong chương trình hóa học phổ thông thông qua các dạng bài tập cụ thể.
Ảnh 2. ThS. Lê Khắc Phương Chi trình bày báo cáo Phổ khối lượng (MS) trong chương trình hóa học phổ thông.
Sau mỗi báo cáo là phần thảo luận sôi nổi, tích cực của báo cáo viên với các giảng viên khác của bộ môn liên quan tới chủ đề, điều đó đóng góp vào sự thành công của buổi seminar.
Ảnh 3. Phần thảo luận giữa các giảng viên