Tin tức hoạt động

Hội thảo khoa học Đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái tại một số tỉnh Tây Bắc, Việt Nam

  • Tin tức
  • Lượt xem: 494

Ngày 6 tháng 9 năm 2020 tại Trường Đại học Tây Bắc, Hội thảo khoa học “Đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái tại một số tỉnh Tây Bắc, Việt Nam”đã được tổ chức. Đây là một số kết quả được nghiên cứu bởi đề tài NCKH cấp Bộ mã số CT.2019.06.05 “Nghiên cứu phát triển du lịch khám phá thiên nhiên tại một số khu bảo tồn thiên nhiên ở Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên” do TS. Vũ Thị Liên làm chủ nhiệm đề tài.

Chủ trì Hội thảo gồm: TS. Nguyễn Văn Dũng - P. Trưởng bộ môn Sinh học, TS. Vũ Thị Liên - Chủ nhiệm đề tài, PGS. TS. Phạm Văn Anh - P. Trưởng phòng KHCN&HTQT.

Các đại biểu tham gia hội thảo là các thầy, cô, các nhà khoa học đến từ các Khoa và Trung tâm trong Nhà trường: TS. Hoàng Xuân Trọng - Trưởng khoa Kinh tế; TS. Đặng Trung Kiên - Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh; TS. Phạm Anh Tuân - Trưởng bộ môn Địa lý, Phó giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học và môi trường; TS. Vì Thị Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Thực hành - Thí nghiệm; Th.S. Đặng Văn Công - Thư ký Hội đồng trường; các thành viên của Trung tâm Đa dạng sinh học và môi trường; các giảng viên và sinh viên khoa Nông Lâm, khoa KHTN – CN và một số nhà nghiên cứu quan tâm đến đề tài.

Sau phần khai mạc tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu. Các thành viên lần lượt trình bày 3 báo cáo khoa học:

Cử nhân Sùng Bả Nênh - Trung tâm Đa dạng sinh học và môi trường trình bày báo cáo 1: Đề xuất các loài lưỡng cư, bò sát, côn trùng và chim có tiềm năng phát triển du lịch khám phá thiên nhiên.

TS. Vũ Thị Liên trình bày báo cáo 2: Đề xuất các loài thực vật bậc cao có tiềm năng phát triển du lịch và khám phá thiên nhiên tại các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc 3  tỉnh Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình.

NCS. Đỗ Xuân Đức trình bày báo cáo 3: Nghiên cứu phát triển du lịch khám phá thiên nhiên tại một số khu bảo tồn thiên nhiên tại 3 tỉnh Hoà Bình, Sơn La và Điện Biên.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã có rất nhiều ý kiến đóng góp cho các báo cáo và nội dung của đề tài. Đa số các đại biểu đề thống nhất cao với nội dung của các báo cáo và các kết quả nghiên cứu.  Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận và tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Khoa Kinh tế có ngành dịch vụ du lịch và lữ hành, nên đến với hội thảo vừa để học hỏi cách tổ chức, vừa định hướng các kết quả nghiên cứu được trình bày có thể kết nối; phản biện, tư vấn để các khoa kết nối được với nhau hay không? Giúp mang lại giá trị vừa đảm bảo mục đích NCKH nói riêng vừa phát triển Tây Bắc nói chung.

 Để đưa một tài nguyên dạng tiềm năng thành sản phẩm để thị trường chấp nhận được phải có sự kết hợp đa ngành do du lịch là 1 ngành kinh tế tổng hợp liên ngành, đa ngành. Theo ý kiến của tôi, để có thể phát triển du lịch sinh thái bền vững tại 1 số tỉnh ở Tây Bắc cần phải có sự khác biệt. Trong các báo cáo vừa trình bày, cần làm rõ hơn các vấn đề:

+ Xác định các nhu cầu của khách du lịch thật khác biệt, xứng đáng để khách sẽ chọn đi du lịch ở vùng này.

+ Phân biệt trong các loài mới này, loài nào chỉ có ở Tây Bắc mà các vùng khác không có; loài nào chỉ có duy nhất ở 1 tỉnh này mà không có ở tỉnh khác? Loài nào nhiều hay ít; hướng khai thác như nào...(xác định tính duy nhất và tính quan trọng đặc biệt của loài để tạo điểm nhấn).

TS. Hoàng Xuân Trọng  phát biểu và đề xuất ý kiến

Với loại hình du lịch sinh thái là hình thức du lịch hạn chế, nếu nhiều khách du lịch quá thì sẽ làm mất đa dạng sinh học của loài. Phải xác định được tại một nơi nào có thể đón được bao nhiêu khách du lịch? Phải tính được "tải" của điểm đến.

Phát triển du lịch cần xác định vấn đề di chuyển có thuận tiện đường đi hay không? Nên phát triển loài nào trước, loài nào sau?

TS. Phạm Anh Tuân phát biểu và đề xuất ý kiến

TS. Vũ Thị Liên - Chủ nhiệm đề tài, báo cáo viên

Th.S. Đặng Văn Công  phát biểu và đề xuất ý kiến

TS. Đặng Trung Kiên phát biểu và đề xuất ý kiến

Th.S. Hoàng Thị Thanh Hà phát biểu và đề xuất ý kiến

NCS. Đỗ Xuân Đức trình bày báo cáo

TS. Vì Xuân Thủy phát biểu ý kiến

Sau thời gian thảo luận, Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến quý báu của khách mời đề nghị các nhóm nghiên cứu đề tài bổ sung, chỉnh sửa và đề xuất định hướng phát triển như:

Để liên kết phát triển du lịch khám phá thiên nhiên hoặc liên kết cây - con cần chú ý có 5 nhu cầu cơ bản của khách du lịch: 1. Ăn gì; 2. Ở đâu;  3. Xem gì; 4. Làm gì; 5. Mua gì. Nhóm nghiên cứu nên lập bảng ma trận để xây dựng liên kết.

Tạo liên kết vùng để đảm bảo tạo sự khác biệt; tránh nhàm chán cho khách du lịch. Ví dụ: Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu đều có hồ thủy điện nhưng cần phải liên kết như thế nào để tạo ra các sản phẩm khác biệt, đặc trưng, không có sự trùng nhau?

 Đề xuất kết quả nghiên cứu của hội thảo là ý tưởng khởi nghiệp của Nhà trường cho các bạn sinh viên - đặc biệt là khởi nghiệp cho các bạn người dân tộc thiểu số ở Sơn La.  Khởi nghiệp dựa trên thế mạnh bản địa và tri thức bản địa để xác định các loại – cây – con nào có thể nhân rộng, có thể thương mại hóa hay cần bảo tồn…

Mỗi điểm du lịch nên chọn 1-2 loài chủ điểm đặc trưng làm điểm nhấn phục vụ phát triển du lịch. Có thể tham khảo hiện nay chúng ta có 2 mô hình rất thành công: mô hình sử dụng cây Báng nấu rượu (tên khoa học: Arenga  saccharifera Labill, họ Cau : Arecaceae) tại bản Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ; cây Chàm mèo (tên khoa học: Strobilanthes flaccidifolius Nees, họ Ô rô) tại Bản Áng, huyện Mộc Châu nhuộm vải. Khách du lịch tham gia trải nghiệm tự đi hái, tự mua vải và lấy cây về tự nhuộm rồi mua chính sản phẩm họ nhuộm được.

Nên hướng tới thương mại trên thị trường thông qua phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương bằng các biện pháp như viết sách, tài liệu, tờ rơi hoặc sổ tay hướng dẫn du lịch với hình ảnh những loài động - thực vật đặc trưng và kết quả của đề tài để cung cấp cho khách du lịch.

Gắn du lịch sinh thái với khu bảo tồn thiên nhiên để không gây ảnh hưởng tới cảnh quan và đa dạng sinh học.

Trong các nhóm loài động - thực vật, cần chỉ ra các loài nào có nguy cơ cần bảo tồn, có khả năng bị tuyệt chủng và phải đưa ra giải pháp bảo tồn, duy trì các loài đó.

Hy vọng mô hình Hội thảo liên ngành này tiếp tục được nhân rộng để các cán bộ, giáo viên và sinh viên trong Trường có thêm nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác và tổ chức NCKH.