Tin tức hoạt động

Webinar giảng dạy trực tuyến ngành Sư phạm Vật lý tại Trường Đại học Tây Bắc, thực trạng và giải pháp

  • Tin tức
  • Lượt xem: 540

Trong cuộc cách mạng công nghệ số hoá 4.0 và phương châm giáo dục cho tất cả mọi người thì việc dạy học trực tuyến đã và đang trở thành xu thế không thể khác được của tương lai. Dạy học trực tuyến có vai trò quan trọng, phát huy được lợi thế của mình trong ứng phó với hoàn cảnh dịch bênh Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh đó, Khoa Khoa học Tự nhiên – Công nghệ đã và đang triển khai nhiều biện pháp trong dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng được các yêu cầu của xã hội. Một trong các hoạt động đó chính là việc tổ chức dạy học trực tuyến. Với định hướng đó, vào hồi 8h30 sáng ngày 12/9/2021 đã diễn ra Webinar “Giảng dạy trực tuyến ngành Sư phạm Vật lý tại Trường Đại học Tây Bắc, thực trạng và giải pháp” thu hút sự tham gia của các giảng viên chuyên ngành Vật lý và các đối tượng quan tâm.

 

Mở đầu hội thảo, TS. Phạm Thế Song - Trưởng bộ môn Vật lý đã giới thiệu vai trò của dạy học trực tuyến trong thời đại ngày nay và sự cập nhật liên tục không ngoài xu thế với lộ trình cụ thể của Trường Đại học Tây Bắc. Ngày 28/5/2021 Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc đã Quyết định số 415/QĐ- ĐHTB, ban hành Quy định tổ chức và quản lý dạy học trực tuyến của Trường Đại học Tây Bắc, trong đó có nêu rõ về hệ thống đào tạo trực tuyến, quản lý học tập, quản lý nội dung học tập, trách nhiệm của giảng viên và vấn đề bản quyền bảo mật dữ liệu. Bên cạnh đó là thông báo về việc đưa vào sử dụng Hệ thống học tập trực tuyến LMS của trường Đại học Tây Bắc.Với hệ thống này việc quản lý, đào tạo người dạy, người học cũng như nội dung, tiến trình dạy học được đồng bộ thống nhất với đầy đủ các công cụ tính năng hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác đào tạo trực tuyến trong nhà trường. Nhà trường cũng đã tổ chức các buổi tập huấn cho giảng viên trong trường để có thể sử dụng và khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống. Điều này đã thể hiện sự quan tâm, cập nhật liên tục và xác định đường dài trong dạy học trực tuyến tại nhà trường. Tuy nhiên cũng theo TS. Phạm Thế Song, để có thể phát huy một cách tốt nhất lợi thế của dạy học trực tuyến thì cần phải có sự thống nhất và đồng bộ ở tất cả các khâu đào tạo, quản lý, đảm bảo chất lượng để tránh chồng chéo cũng như lãng phí thời gian và nhân lực.

 

Tiếp theo ThS. Nguyễn Thanh Lâm - Phó Trưởng bộ môn Vật lý cũng đưa ra một số trao đổi về những thuận lợi và khó khăn khi dạy học trực tuyến các học phần thực hành, thực tế và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm Vật lý. Theo đó những thuận lợi khi dạy học các học phần này trực tuyến đã được đưa ra như linh hoạt về mặt thời gian, không gian; có thể tận dụng nguồn tài nguyên lớn từ internet, hệ thống các thí nghiệm ảo mà trong thực tế rất khó thực hiện hoặc chi phí cao. Các bài giảng trực tuyến cũng như các bài thực hành sau khi thực hiện xong được ghi lại trở thành học liệu phục vụ cho quá trình học tập. Tuy nhiên do tính chất đặc thù của các học phần thực hành, thực tế và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm đòi hỏi sự tương tác rất cao giữa giảng viên và học sinh, việc hình thành một số kĩ năng nghiệp vụ như thuyết trình, giao tiếp với học sinh đòi hỏi môi trường sư phạm để rèn luyện trực tiếp. Điều này trong dạy học trực tuyến khó có thể đảm bảo hiệu quả như dạy học trực tiếp. Vì vậy giải pháp đưa ra là kết hợp linh hoạt giữa hai hình thức trực tuyến và trực tiếp nhằm đạt được hiệu quả tối đa.

 

Đối với các môn Vật lý giảng dạy lý thuyết, TS. Lê Thu Lam đã đưa ra một bức tranh tổng quan về các học phần Vật lý giảng dạy lý thuyết, đội ngũ giảng viên và các em sinh viên của nghành sư phạm Vật lý. Các học phần Vật lý giảng dạy lý thuyết chiếm tỉ trọng lớn, có vai trò quan trọng, kiến thức khó với nhiều hình vẽ, biến đổi toán học. Đây là thách thức rất lớn đối với đội ngũ giảng viên và các em lưu học sinh Lào trong hoàn cảnh vẫn còn có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trình độ nhận thức khi học trực tuyến. TS. Lê Thu Lam đã chỉ ra ba nhược điểm lớn nhất khi dạy học trực tuyến đó là hiệu quả truyền đạt và khả năng tiếp thu của SV bị hạn chế, giảng viên không nắm bắt được khả năng tiếp thu của SV và tâm lý, cảm xúc của giảng viên và SV bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu học trực tuyến kéo dài. Để khắc phục, các giảng viên phải là những người đi tiên phong, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng đổi mới và sáng tạo.

Với kinh nghiệm của bản thân trong việc triển khai hoạt động dạy học trực tuyến, ThS. Phạm Ngọc Thư và ThS. Lê Ngọc Diệp chia sẻ có rất nhiều biện pháp cụ thể để các giảng viên có thể áp dụng như xây dựng giáo án điện tử, chèn các hình ảnh, video vào bài giảng; sử dụng bảng từ điện tử, phần mềm kiểm tra, trò chơi trực tuyến hấp dẫn, thường xuyên kiểm tra, đánh giá trong và sau mỗi buổi học; quay video bài giảng; thườngxuyên quan tâm, động viên tinh thần và giúp đỡ các em sinh viên tự học, tự nghiên cứu. Phần thảo luận đã diễn ra rất sôi nổi với các ý kiến trao đổi, góp ý của các đồng chí giảng viên trong tổ bộ môn về các phương pháp giảng dạy trực tuyến để khắc phục được những hạn chế và phát huy được những ưu điểm của hình thức học này.
Tổng kết buổi webinar, TS. Phạm Thế Song kết luận: Dạy học trực tuyến sẽ vẫn tiếp tục duy trì và phát triển trong tương lai chính vì thế các giảng viên và các em sinh viên phải cùng nhau vượt qua khó khăn và không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Ban Giám hiệu Nhà Trường, Ban Chủ nhiệm Khoa, tổ Bộ môn sẽ luôn đồng hành tư vấn và giúp đỡ các giảng viên và sinh viên để dạy học trực tuyến đạt kết quả tốt nhất.