Tin tức hoạt động

Bộ môn Vật lý tổ chức seminar dạy và học môn Vật lý 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018

  • Tin tức
  • Lượt xem: 296

Thực hiện Kế hoạch năm học, ngày 14/6/2022, Bộ môn Vật lý đã tổ chức Seminar lần thứ hai trong năm học 2021-2022. Seminar xoay quanh những đổi mới trong hoạt động giáo dục môn Vật lý 10 theo Chương trình GDPT 2018 nhằm giúp cho các giảng viên trong Bộ môn kịp thời nắm bắt thông tin, nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để phục vụ công tác giảng dạy, NCKH, KNPVCĐ.

Báo cáo mở đầu của TS. Phạm Thế Song trình bày những điểm mới trong Chương trình GDPT 2018 môn Vật lý; quan điểm lựa chọn và trình bày kiến thức, những điểm mới trong thiết kế, cấu trúc và nội dung trong SGK Vật lý 10. Theo đó, Chương trình GDPT 2018 môn Vật lý 10 có ba đặc trưng nổi bật: Tính giảm tải, Tính phân hóa và Định hướng nghề nghiệp. Khối lượng kiến thức được cắt giảm khoảng 30% so với chương trình hiện hành, trong khi thời lượng không thay đổi. Dựa trên những nội dung cơ bản được trình bày theo các Chương - Bài, nhu cầu nghiên cứu - tìm hiểu sâu hơn của học sinh được đáp ứng thông qua các Chuyên đề học tập. Các nội dung được lựa chọn không chỉ gắn với những trải nghiệm của học sinh, giúp các em có thể vận dụng được trong hiện tại, mà còn giúp các em định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại, nội dung dạy học được trình bày theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc lập Kế hoạch dạy học của giáo viên và tự học của học sinh. Trong đó, vai trò trung tâm của học sinh trong các hoạt động học được đề cao.

Trong báo cáo thứ hai, trên cơ sở so sánh với các bài thí nghiệm trong SGK hiện hành, ThS. Nguyễn Thanh Lâm phân tích những điểm mới trong các bài thí nghiệm của SGK Vật lý 10 mới. Theo đó, điểm mới căn bản là học sinh tích cực – chủ động tham gia vào quá trình lựa chọn dụng cụ thí nghiệm và thiết kế các phương án thí nghiệm. Điều này giúp cho học sinh được thực hiện quy trình thí nghiệm nghiên cứu, kiểm chứng như một nhà nghiên cứu thực thụ.

Vấn đề Kiểm tra – Đánh giá trong dạy học Vật lý được NCS. ThS. Lê Ngọc Diệp trình bày chi tiết trong Báo cáo thứ ba. Trong chương trình mới môn vật lí, việc kiểm tra - đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh chú trọng đến đánh giá quá trình để phát hiện kịp thời sự tiến bộ của học sinh và vì sự tiến bộ của học sinh, từ đó điều chỉnh và tự điều chỉnh kịp thời hoạt động dạy và hoạt động học. Căn cứ để thực hiện kiểm tra - đánh giá là các yêu cầu cần đạt về năng lực chung và năng lực vật lí được quy định trong Chương trình tổng thể và Chương trình môn vật lí. Quy trình kiểm tra, đánh giá luôn được xây dựng cùng với kế hoạch tổ chức dạy học với các hoạt động dạy học mà giáo viên tổ chức. Dựa trên nội dung kiến thức cụ thể của bài học, giáo viên xác định mối liên kết giữa các hoạt động định tổ chức dạy học và các chỉ số hành vi của các năng lực vật lí thành phần. Tiếp theo, giáo viên lựa chọn và phối hợp giữa các hình thức, phương pháp, thiết kế công cụ kiểm tra đánh giá. Đánh giá thường xuyên do GV phụ trách môn học tổ chức, kết hợp với đánh giá của GV, tự đánh giá của bản thân học sinh và đánh giá đồng đẳng giữa các học sinh khác nhau. Đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức để phục vụ công tác quản lí các hoạt động dạy học, đảm bảo chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ phát triển chương trình.

Sau mỗi báo cáo, các giảng viên trong bộ môn đã tích cực tham gia trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác giảng dạy, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành ĐHSP Vật lý.