Tin tức hoạt động

Nghiên cứu sinh Phạm Thị Chuyên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường

  • Tin tức
  • Lượt xem: 342

Ngày 26/10/2022 tại Trường ĐHSP Hà Nội, Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Trường đã họp để đánh giá Luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Phạm Thị Chuyên với đề tài Luận án: "Phân tích Auramine O, Sudan I, Sudan II trong thực phẩm bằng phương pháp RP-HPLC sử dụng vật liệu nanosilica để xử lý mẫu", Chuyên ngành: Hóa phân tích.

NCS Phạm Thị Chuyên trình bày Luận án trước Hội đồng

Tham dự buổi bảo vệ Luận án tiến sĩ của NCS Phạm Thị Chuyên có đầy đủ 7/7 thành viên Hội đồng có mặt do PGS.TS Vũ Đức Lợi – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc làm Chủ tịch cùng các Đại biểu: PGS.TS. Lương Thị Thu Thủy - Phó Trưởng Khoa Hóa học, Trường ĐHSP Hà Nội; TS. Hoàng Ngọc Anh – Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa KHTN-CN, Trường Đại học Tây Bắc; Đại biểu đại diện Phòng Sau đại học Trường ĐHSP Hà Nội, Bộ môn Hóa học Trường Đại học Tây Bắc và các đại biểu là người thân, bạn bè, gia đình của NCS.

TS. Hoàng Ngọc Anh – Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa KHTN-CN tặng hoa, chúc mừng Tân tiến sĩ Phạm Thị Chuyên

Sau khi xem xét hồ sơ, Luận án, nghe NCS Phạm Thị Chuyên trình bày Luận án, các ý kiến nhận xét của 03 phản biện Luận án, nghe NCS Phạm Thị Chuyên trả lời các câu hỏi của Hội đồng, khách mời và tổng hợp ý kiến nhận xét của các tập thể và cá nhân đã đọc tóm tắt Luận án, Hội đồng đánh giá Luận án cấp Trường đã thảo luận và đánh giá: Vệc xây dựng các quy trình đơn giản, sử dụng thiết bị không quá đắt tiền và có thể sử dụng trong nhiều nền mẫu khác nhau để phân tích các phẩm màu độc hại Auramine O, các chất Sudan trong thực phẩm ở Việt Nam là nhu cầu cấp bách có ý nghĩa thực tiễn cao. Luận án đã có những kết quả mới và đóng góp cho lĩnh vực khoa học chuyên ngành, cụ thể:

- Đã đưa ra quy trình chung để phân tích các chất màu (Auramine O và hỗn hợp Sudan I, Sudan II) trong các mẫu thực phẩm. Quy trình gồm 2 giai đoạn chính là xử lý mẫu và phân tích định lượng mẫu bằng phương pháp HPLC. Giai đoạn xử lý mẫu được thực hiện theo 2 cách với các loại mẫu khác nhau. Cách 1: Chiết bằng dung môi hữu cơ. Cách 2: Chiết bằng dung môi hữu cơ Hấp phụ chất màu trong dịch chiết bằng Nanosilia chế tạo từ vỏ trấu - Giải hấp phụ bằng pha động trong phân tích HPLC. Đây là quy trình phân tích chất màu trong thực phẩm chưa được đề xuất trước đó trong bất kỳ công trình nghiên cứu khoa học nào.

- Lựa chọn được phương pháp xử lý mẫu bằng phương pháp chiết lỏng - lỏng với dung môi hữu cơ cho kết quả nhanh, không độc hại với người phân tích và môi trường, chi phí thấp, các bước thực hiện đơn giản và có thể áp dụng chiết được nhiều loại mẫu.

- Luận án đã sử dụng nanosilica chế tạo từ vỏ trấu để hấp phụ chất màu từ dịch chiết mẫu thực phẩm. Đây cũng là một bước quan trọng trong xử lý mẫu hướng tới "quy trình xanh". Việc sử dụng nanosilia hấp phụ các Sudan ở điểm đẳng điện trong khi Sudan có tính kỵ nước là một nghiên cứu chưa được đề xuất trước đó (các nghiên cứu hấp phụ chất màu bằng RHNS chỉ tập trung vào chất màu ưa nước như Methylene Blue, Rhodamine B,...).

Hội đồng cũng đánh giá Luận án tiến sĩ của NCS Phạm Thị Chuyên là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách nghiêm túc, đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại. Các kết quả nghiên cứu trong Luận án là tin cậy, có nhiều điểm mới. Các công trình công bố của tác giả phản ánh đầy đủ các kết quả nghiên cứu của Luận án và được đăng trên các Hội thảo và tạp Tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Không khí buổi đánh giá Luận án cũng như các ý kiến trao đổi, thảo luận diễn ra hết sức sôi nổi đã cho thấy sự hấp dẫn và quan tâm đến vấn đề nghiên cứu mà NCS đã lựa chọn.

Kết luận cuộc họp, 7/7 thành viên Hội đồng dự họp đã tán thành thông qua Luận án tiến sĩ của NCS Phạm Thị Chuyên và đề nghị Trường ĐHSP Hà Nội công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ cho NCS Phạm Thị Chuyên.

Một số hình ảnh tại buổi bảo vệ:

Đại diện Khoa, Bộ môn và bạn bè, đồng nghiệp tặng hoa, chúc mừng Tân tiến sĩ Phạm Thị Chuyên

Bộ môn Hóa học chúc mừng Tân tiến sĩ

Tân tiến sĩ Phạm Thị Chuyên tặng hoa, cảm ơn các Nhà khoa học trong Hội đồng, Cơ sở đào tạo và Cán bộ hướng dẫn