Bài viết cảm nhận của Cựu sinh viên

Tự hào được là một mảnh ghép trong bức tranh Đại học Tây Bắc hôm nay

Giữa hối hả của cuộc sống và bộn bề của công việc, mình chợt quên đi thời gian đã trôi đi thật nhanh. Hôm nay, nhìn thấy các tân sinh viên hối hả nhập học, hình ảnh của chàng tân sinh viên - tôi, 20 năm trước chợt ùa về trong tâm trí.

Là một cựu học sinh chuyên toán của Trường Chuyên Sơn La, với thành tích học tập “không tệ lắm”, bao ước mơ về tương lai được vẽ ra trong đầu của một chàng thanh niên tôi vừa tròn 17 tuổi. Khát khao được thoát khỏi vòng tay của gia đình, được vùng vẫy trong một môi trường rộng lớn, được học tập và sinh sống ở những thành phố lớn, thế là chàng thanh niên tôi tự đăng ký thi các trường ở Hà Nội và Thái Nguyên, nhưng vẫn phải chiều lòng gia đình thi tiếp Trường Đại học Tây Bắc - ngôi trường chỉ cách nhà có hơn 10km. Khi cầm trên tay ba tờ giấy báo nhập học, cuộc đấu tranh về tư tưởng, đấu tranh với gia đình mới gay gắt và quyết liệt. Và rồi, khát khao của bản thân đã bị sức ép của gia đình đè bẹp. Vậy là chàng thanh niên tôi đã chính thức được gieo duyên với Đại học Tây Bắc từ khi ấy.

Ngày lên nhập học, tôi đã dành cả 1 buổi đi “tham quan” toàn bộ cảnh quan của trường (thời gian chúng tôi học, Trường đặt tại Thị trấn Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Càng đi, tôi càng cảm thấy bàng hoàng về cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn của trường, trong tôi khi đó chợt dâng lên một suy nghĩ là về nhà và thuyết phục gia đình để được đi học ở các trường khác. Nhưng rồi, chính thái độ ân cần, tận tình, chu đáo của các thầy cô Khoa Toán - Lý (nay là Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ) trong buổi tiếp nhận sinh viên mới nhập học và sự ấm áp của thầy chủ nhiệm đã làm cái suy nghĩ học trường khác bị loại khỏi đầu tôi.

Lớp 42 Đại học Toán của chúng tôi cùng với lớp 42 Đại học Văn là khóa đào tạo Đại học đầu tiên của trường, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của các thầy trong tập thể Lãnh đạo nhà trường, các phòng chuyên môn, Ban Chủ nhiệm khoa và đặc biệt là sự gần gũi, tận tình, sẻ chia của các thầy cô. Vì là khóa đào tạo Đại học đầu tiên, nên mọi điều kiện vô cùng khó khăn: tài liệu học tập thiếu thốn, các trang thiết bị phục vụ học tập và nghiên cứu được tận dụng của hệ đào tạo cao đẳng, lớp học là những dãy nhà cấp 4 lợp ngói Pro xi măng rất nóng vào mùa hè và lại lạnh vào mùa đông… Như thấu hiểu được sự thiệt thòi của chúng tôi, các thầy cô luôn tận tình, tâm huyết truyền đạt kiến thức chuyên môn, luôn yêu thương, quan tâm dạy bảo đạo đức nghề thầy cho chúng tôi. Ngoài việc được đào tạo về chuyên môn, chúng tôi còn được tham gia nhiều chương trình, hoạt động rèn luyện kỹ năng mềm, giúp chúng tôi thêm năng động, dễ hòa nhập với tập thể, là điều vô cùng hữu ích giúp nhanh chóng tiếp cận được với công việc sau khi tốt nghiệp ra trường.

Đến giờ, tôi đã rời ra ngôi nhà Đại học Tây Bắc hơn 16 năm, nhưng cũng có nhiều lần được trở lại thăm trường, thăm các thầy cô đáng kính và vẫn luôn nhận được những lời chỉ dạy thiết thực của thầy cô về công việc, về cuộc sống để tôi tiếp tục hoàn thiện bản thân. Trên con đường sự nghiệp của mình, tôi vẫn luôn cố gắng phấn đấu để giữ vững lời hứa của bản thân với thầy cô trước khi ra trường “Luôn cố gắng để góp phần xây dựng thương hiệu Đại học Tây Bắc”.

Trường Đại học Tây Bắc giờ đây đã có một cơ ngơi thật khang trang với đầy đủ các điều kiện để phục vụ học tập và nghiên cứu; các thầy cô ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng; nhà trường đã đào tạo thêm nhiều ngành trình độ đại học và phát triển thêm một bước mới là đào tạo trình độ thạc sĩ. Điều đó càng làm chúng tôi thêm tự hào vì được là một trong những mảnh ghép quan trọng của bức tranh rực rỡ - Đại học Tây Bắc hôm nay.