Tin tức hoạt động

Bộ môn Hóa học tổ chức Seminar tháng 12/2024

  • Tin tức
  • Lượt xem: 175

Ngày 18/12/2024, bộ môn Hóa học đã tổ chức Seminar tháng 12 với sự tham gia của các giảng viên Bộ môn Hóa học.

Mở đầu chương trình, ThS. Nguyễn Văn Công báo cáo chuyên đề với nội dung “Click Chemistry”. “Click Chemistry” là một thuật ngữ được đưa ra bởi nhà khoa học K. Barry Sharpless vào năm 2001, với mục đích chỉ những phản ứng hóa học nhanh, hiệu quả và có tính chọn lọc cao để tạo ra các phân tử phức tạp. Đây không phải là một loại phản ứng cụ thể, mà là một khái niệm đề cập đến các phương pháp xây dựng các "khối phân tử" (molecular building blocks) gắn kết với nhau một cách dễ dàng và chính xác. Click Chemistry đã trở thành một công cụ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, từ hóa học vật liệu đến y sinh học, và vào năm 2022, phát minh này đã mang về Giải Nobel Hóa học cho 3 nhà khoa học Carolyn R. Bertozzi (Đại học Stanford), Morten P. Meldal (Đại học Copenhagen) và K. Barry Sharpless (Viện nghiên cứu Scripps). Phản ứng kinh điển trong Click Chemistry là phản ứng có xúc tác đồng giữa hai phân tử: một phân tử có gắn nhóm cuối mạch là azide (R1-N=N+=N-) và phân tử còn lại có gắn nhóm cuối mạch là alkyne (R2 ―≡). Sản phẩm của phản ứng là hai phân tử nối với nhau thông qua cầu nối là nhóm triazole (ảnh 3). Giờ đây, phản ứng Click (Click reactions) có thể ứng dụng ngay bên trong các cơ thể sống mà không làm gián đoạn quá trình sinh hóa của tế bào. Các nhà khoa học có thể đưa các phân tử dò tìm (có thể phát huỳnh quang) vào trong cơ thể và gắn chúng với các phân tử mục tiêu qua phản ứng “click”, từ đó dễ dàng định vị và quan sát được các phân tử mục tiêu. Hơn thế nữa, phương thức này cũng có thể được ứng dụng để vận chuyển các loại thuốc đặc trị đến các tế bào bệnh. Click chemistry hiện đang được thử nghiệm trong việc điều trị ung thư. Ngoài ra, Click chemistry còn có thể dùng để nghiên cứu và tinh chỉnh các axit amin, nucleotide và DNA trong cơ thể, gắn thêm cho chúng vô vàn những tính năng mong muốn. Rất nhiều ứng dụng hữu ích trong các lĩnh vực khoa học vật liệu, công nghệ nano, sinh học tế bào, kỹ thuật y sinh… đã và đang được phát triển rộng rãi trên cơ sở của Click Chemistry. Trong tương lai, lĩnh vực này sẽ còn mang đến cho nhân loại nhiều lợi ích to lớn.

Tiếp theo chương trình, ThS. Nguyễn Đình Thoại đã trình bày báo cáo “Tìm hiểu quy trình sản xuất ắc quy acid – chì”. Bình ắc quy acid chì (Lead-acid battery) là một loại pin điện hóa được phát minh bởi nhà khoa học người Pháp Gaston Planté vào năm 1859. Đây là loại pin sạc lâu đời nhất và được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay, nhờ các ưu điểm có giá thành rẻ hơn so với nhiều loại pin khác, khả năng cung cấp dòng điện lớn và có thể sạc lại giúp tiết kiệm chi phí sử dụng dài hạn. Tuy nhiên với những nhược điểm: trọng lượng nặng, hiệu suất và tuổi thọ ngắn, ô nhiễm môi trường thì acquy acid- chì đang dần bị thay thế bởi pin lithium đặc biệt là trong xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng tái tạo.

Seminar tháng 12/2024 của Bộ môn Hóa học đã mang đến những góc nhìn sâu sắc về hai vấn đề rất quan trọng trong công nghiệp và y học. Báo cáo về “Quy trình sản xuất ắc quy acid-chì” cung cấp kiến thức thực tế về công nghệ lâu đời này và khơi gợi hướng nghiên cứu về các giải pháp thay thế bền vững. Trong khi đó, chuyên đề “Click Chemistry” mở ra tầm nhìn mới mẻ về các ứng dụng tiên tiến trong y sinh, công nghệ nano và vật liệu, minh chứng sức mạnh của hóa học trong việc giải quyết các thách thức khoa học và đời sống. Cả hai chuyên đề không chỉ bổ sung kiến thức chuyên môn mà còn truyền cảm hứng cho giảng viên và sinh viên về tiềm năng nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Một số hình ảnh tại buổi seminar:

Ảnh 1: Thành phần tham dự seminar

Ảnh 2: ThS. Phạm Văn Công trình bày báo cáo

Ảnh 3: Mô phỏng phản ứng kinh điển trong Click chemistry

Ảnh 4: ThS. Nguyễn Đình Thoại trình bày báo cáo