Tin tức hoạt động

Seminar Bộ môn Sinh học Tháng 12/2024: Ứng dụng ChatGPT trong giáo dục

  • Tin tức
  • Lượt xem: 202

Thực hiện kế hoạch Seminar của Bộ môn Sinh học năm học 2024 – 2025, vào hồi 14h ngày 05 tháng 12 năm 2024 tại phòng Bảo tàng Sinh học, Bộ môn Sinh học đã tổ chức Seminar với chủ đề: Ứng dụng ChatGPT trong giáo dục. Tham dự buổi seminar có: TS. Lò Thị Mai Thu – Trưởng Khoa KHTN - CN, các khách mời là giảng viên các Khoa Tiểu học – Mầm non, cùng đông đủ các giảng viên Bộ môn Sinh học và sinh viên ngành sư phạm Sinh học.

Tại buổi seminar, các giảng viên, sinh viên đã nghe bài báo cáo về ứng dụng ChatGPT trong giáo dục do ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà – Giảng viên Bộ môn Công nghệ thông tin thực hiện. Báo cáo đã giới thiệu về ChatGPT, các ứng dụng của ChatGPT và một số lưu ý để khai thác ChatGPT hiệu quả như: Đặt câu hỏi rõ ràng và cụ thể; Sử dụng từng bước và hỏi từng phần; Chọn định dạng và dữ liệu phù hợp (Chủ yếu là định dạng PDF, DOCX, CSV có dung lượng ít hơn 20MB); kiểm soát ngữ cảnh hội thoại; cung cấp thông tin phản hồi; Cấu trúc của một prompt trong ChatGPT để có đầu ra (output) chính xác thường gồm các phần sau: #Ngữ cảnh; #Phương pháp; #Dữ liệu và #Yêu cầu kết quả.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà cũng trình bày một số kinh nghiệm khi sử dụng ChatGPT trong xây dựng kế hoạch bài giảng, trong đó các tài nguyên cần chuẩn bị như: bản ma trận, đặc tả nội dung cần kiểm tra theo mẫu của Công văn 5512 của Bộ GD&ĐT; SGK hoặc tài liệu tham khảo để ChatGPT có thể đọc được, dung lượng file nhỏ hơn 20MB. Cung cấp một số câu hỏi làm ví dụ tham chiếu giúp ChatGPT hiểu được rõ hơn yêu cầu của người dùng.

Tại Seminar, các đại biểu cũng đã được nghe báo cáo của TS. Phạm Văn Nhã về nghiên cứu thành phần loài Dơi và dữ liệu tiếng kêu siêu âm của Dơi ở một số khu vực tại Tp. Sơn La. Theo nghiên cứu, đến cuối năm 2023 đã có 48 loài Dơi thuộc 22 giống, 6 họ đã được ghi nhận ở tỉnh Sơn La, trong đó phát hiện nổi bật là loài Dơi Mũi lá (Hipposideros Khaokhuayensis) được liệt kê vào danh sách dễ bị tổn thương của IUCN. 

Buổi seminar đã mang đến nhiều thông tin bổ ích và thú vị cho các giảng viên, sinh viên chuyên ngành Sinh học. Các bài báo cáo được trình bày đã giúp làm sáng tỏ những ứng dụng thiết thực và tiềm năng của các công cụ công nghệ như ChatGPT trong giáo dục, cũng như những khám phá khoa học mới trong lĩnh vực nghiên cứu đa dạng sinh học. Đây không chỉ là cơ hội để chia sẻ tri thức mà còn khơi nguồn cảm hứng cho các nghiên cứu tiếp theo, kết nối các lĩnh vực khoa học khác nhau nhằm phục vụ mục tiêu giáo dục và phát triển bền vững.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi Seminar:

Hình 1. TS. Nguyễn Văn Dũng phát biểu khai mạc buổi seminar

Hình 2. ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà trình bày báo cáo về Ứng dụng AI trong giáo dục

Hình 3. TS. Phạm Văn Nhã trình bày báo cáo tại Seminar